Khô mắt: Nguyên nhân và các dấu hiệu nhận biết

53

Chắc bạn từng nghe đến cụm từ “khô mắt” nhưng có thể bạn chưa thực sự hiểu về chứng bệnh này. Cùng tìm hiểu trong nội dung dưới đây để nhận biết tình trạng bạn đang gặp có phải là khô mắt không nhé.

Khô mắt: Nguyên nhân và các dấu hiệu nhận biết

Chào bác sĩ, tôi mới đi khám mắt do thấy khác thường thì được bác sĩ chẩn đoán bị khô mắt. Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân và các dấu hiệu nhận biết chứng bệnh này cũng như cách điều trị hiệu quả không? Xin cảm ơn.

Chào bạn, khô mắt là tình trạng phổ biến xảy ra khi nước mắt của bạn không đủ khả năng giữ ẩm và bôi trơn cho bề mặt nhãn cầu. Nước mắt có vai trò rất quan trọng đối với đôi mắt, nó vừa giúp dinh dưỡng cho giác mạc, vừa bảo vệ nhãn cầu khỏi những tác động xấu từ bên ngoài. Mỗi lần nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu. Nước mắt sẽ làm bôi trơn bề mặt nhãn cầu, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn mắt, rửa trôi các dị vật trong mắt và giữ cho bề mặt giác mạc, kết mạc phẳng, sạch sẽ. Khi thừa, nước mắt sẽ chảy theo một hệ thống ống nhỏ ở góc trong của mi mắt gọi là tuyến lệ. Nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến viêm và tổn thương bề mặt của mắt, có thể có biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm kết mạc, viêm giác mạc, giảm thị lực thậm chí mất thị lực không hồi phục.

Chứng khô mắt có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:

Nguyên nhân gây khô mắt
  • Độ tuổi: Khô mắt là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên, vì thế mà thường gặp ở những người trung niên và cao tuổi, đặc biệt là những người trên 65 tuổi.
  • Giới tính: Nữ giới dễ bị khô mắt hơn do thay đổi hormone sau khi mang thai, sử dụng thuốc tránh thai và thời kỳ mãn kinh.
  • Do tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng các thuốc kháng histamin, thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm đau chống viêm, thuốc tránh thai, thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc chống trầm cảm,… có thể làm giảm bài tiết nước mắt.
  • Do các bệnh lý toàn thân hoặc tại mắt: Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp, tiểu đường, dị ứng theo mùa, thiếu vitamin A,… có nguy cơ cao bị khô mắt. Hay các bệnh tại mắt như viêm nhiễm mi mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc, hoặc bất thường của mi mắt (lật mi, hở mi) cũng là nguyên nhân gây ra khô mắt.
  • Do khí hậu và môi trường sống: Do tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, nhiều gió hoặc thời tiết hanh khô sẽ làm nước mắt bốc hơi nhanh.

Các yếu tố nguy cơ khác như đeo kính kéo dài, làm việc với máy tính trong thời gian dài hoặc làm việc quá tập trung không chớp mắt thường xuyên cũng có thể gây khô mắt. Các phẫu thuật trên bề mặt kết mạc, giác mạc như phẫu thuật lasik, phẫu thuật phaco… cũng có thể là nguyên nhân gia tăng chứng khô mắt.

Phụ thuộc vào mức độ và giai đoạn của chứng bệnh mà sẽ có những dấu hiện khác nhau nhưng có một số biểu hiện thường gặp là:

Biểu hiện thường gặp khi bị khô mắt
  • Mắt đỏ hoặc sưng tấy
  • Cảm giác nhức mắt
  • Cảm giác nóng rát trên bề mặt của mắt
  • Mỏi mắt, cảm giác như muốn nhắm mắt thời gian dài
  • Ngứa mắt liên tục
  • Mắt thường xuyên cảm thấy quá khô
  • Giảm thị lực, nhìn vật có vẻ không rõ nét
  • Sợ ánh sáng, nhạy cảm với ánh sáng có cường độ cao (sáng chói)
  • Chảy nước mắt, ống lệ sản xuất quá nhiều nước mắt nhưng chúng không giữ đủ lâu để làm dịu cảm giác khô rát
  • Cảm giác cộm xốn khó chịu, cảm giác như có một thứ gì đó trong mắt ngay cả khi không có gì cả
  • Cảm giác mi mắt dính vào nhãn cầu khi chớp mắt

Để điều trị khô mắt, trước tiên bác sĩ sẽ phải điều trị triệu chứng để làm giảm cảm giác khó chịu của khô mắt. Điều trị triệu chứng thông dụng nhất là sử dụng dung dịch dưỡng mắt, có tác dụng làm trơn mắt và cung cấp độ ẩm cho mắt, còn gọi là nước mắt nhân tạo. Tiếp đến là điều trị bệnh lý tại mắt và bệnh lý toàn thân là nguyên nhân gây khô mắt, khi bệnh được điều trị ổn định thì chứng khô mắt cũng sẽ giảm và tìm ra những yếu tố nguy cơ gây khô mắt để phòng tránh. Ví dụ như bạn sử dụng điện thoại hoặc máy tính quá nhiều trong ngày thì cần điều chỉnh lại để đôi mắt phải có thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc quá tải với các thiết bị đó. Hay nếu đặc thù công việc phải gắn liền với màn hình máy tính, cần phải có thời gian để đôi mắt nghỉ ngơi sau thời gian khoảng 30 – 45 phút, bằng cách thư giãn, nhìn ra xa, nhìn ra không gian bên ngoài,…

Nhỏ nước mắt nhân tạo giúp mắt đỡ khô

Bạn cần lưu ý là cần theo dõi bệnh khô mắt liên tục để có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển. Nếu không được điều trị thì bệnh có thể gây đau, loét giác mạc, sẹo giác mạc và có khả năng mất thị lực (dù hiếm gặp).

Cùng với điều trị của bác sĩ thì bạn cần:

  • Nhỏ nước mắt nhân tạo thường xuyên: Ít nhất ba đến bốn lần một ngày.
  • Chớp mắt thường xuyên hơn nhất là khi ngồi trước máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác trong thời gian dài.
  • Vệ sinh mí mắt: Giữ mí mắt sạch sẽ, đặc biệt nếu chúng bị đóng vảy.
  • Bổ sung nhiều Omega 3 trong chế độ ăn uống của bạn như ăn cá béo, hạt lanh, hạt chia, đậu phụ và quả óc chó. Omega-3 có tác dụng cải thiện chức năng của tuyến meibomius, giúp giảm các triệu chứng khô mắt một cách tự nhiên bằng cách làm dịu và bổ sung dưỡng chất cho mắt.
  • Đeo kính râm bao quanh mắt giúp ngăn màng nước mắt bị khô quá nhanh.
  • Giảm thiểu tiếp xúc với máy sưởi hay điều hòa nhiệt độ để ngăn màng nước mắt bị khô quá nhanh.
  • Steroid tại chỗ: Thường dành cho các trường hợp nặng hoặc mãn tính, nhưng có nguy cơ làm tăng nhãn áp nhỏ – hãy cho bác sĩ nhãn khoa/ bác sĩ đo thị lực của bạn biết nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh tăng nhãn áp.

Ngoài bổ sung thực phẩm giàu Omega 3 để hỗ trợ điều trị khô mắt thì bạn cũng có thể tham khảo bổ sung Omega 3 từ viên uống cho tiện sử dụng. Hãy chọn Omega 3 dạng Triglyceride chứa hàm lượng EPA và DHA cao (được bào chế từ dầu cá tinh chế) nhập khẩu từ Na Uy với hàm lượng DHA (150mg/viên) và tỷ lệ DHA/EPA/viên xấp xỉ 150mg/45mg mỗi viên, sản phẩm giúp tăng cường trí nhớ, bảo vệ mắt. Omega-3 Triglyceride tốt hơn, bền vững hơn nhờ hấp thu cao hơn tới 70% và chuyển hóa tốt hơn trong cơ thể.

Chúc bạn điều trị hiệu quả chứng khô mắt và luôn vui khỏe!